Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Thằioiemiuethằ

·                “ Thằi oi em ieu thằi ngat em là hão”.
·                Nếu chọn mình sẽ vẫn chọn là thầy giáo .
·                Mẹ là Cha, là Cô là bạn và là Biển trời của con.
 * Bức thư đầy lỗi chính tả :
  Trong lần họp mặt đơn vị, có một vài anh chị em muốn Thi dạy kèm cho số con cháu của họ ,bởi khi xưa Thi từng là cán bộ Văn hóa cho liên đội. Anh gật đầu cái rụp bởi anh đang rãnh rỗi, hơn nữa anh còn một chuyện “ấm ức” mà từ lâu anh chưa tìm được người để anh hỏi tội và điều nữa là tận thâm tâm anh anh cảm thấy như mình còn chưa trọn vẹn chuyện Dạy, chuyện Nghề.
   Lớp học thì xem nhà của ai rộng rãi thoáng mát , nói cho cùng tính chất của Tnxp mà , gì cũng qua được hết.
  Lâu lắm rồi, gia nhập Thanh niên xung phong ,đóng quân ở Phạm văn Cội , anh được phân công phụ trách một lớp  ,anh có ra đề là : hãy viết về người mà đồng chí thương yêu .
  Trong lớp độ chục người , có một đồng chí nữ ,công tác thì khỏi chê , tuy vậy cái việc học nó tỷ lệ nghịch với những chỉ tiêu trên giao cho, cô học khổ sở , khó nhọc; được cái siêng lắm , cứ thấy cô cứ hý hoái tập viết , ráp từ.
  Thấy cô chịu học anh cũng thường xuyên xuống sam dạy thêm cho cổ. Thế thôi!
  Hôm nộp bài, anh mang về và tá hỏa tam tinh khi có những bài anh vừa xem vừa nổi quạo. Không điên lên sao được khi : ‘ ‘ Em thuonh nhất ‘ ‘ quoại” em , bàn tay thì óm tong teo như cây khơ thíu nướt, lúc cười thì nhe hàm ranh súng …” ( em thương nhất ngoại em, bàn tay thì ốm tong teo như cây khô thiếu nước,lúc cười thì nhe hàm răng súng”)hay “ thuong ba dễ sợ, ba tấm em , ba cho tiền em ,ba không có ngắt nhéo em như má, em đòy ăn gì ba cũng mua, chứ khonh có kẹo  như má” ( thương ba dễ sợ, ba tắm em, ba không có ngắt nhéo em như má, em đòi ăn gì ba cũng mua, chứ không có kẹo như má) rồi có một bài viết trời thần đất lở nữa, mà bài viết ấy anh giữ mãi tận bây giờ( còn hai bài kia đâu mất tiêu) nó như vầy:
“ Thằi oi em ieu thằi ngat em là Hão . Em là co nhi , vô đâi em thái thằi lo cho em nhiều, nhu iếu phẩm thằi cu cho em luom. Còn xâu xát em để em học gỏi . Em iêu thằi ngat. Kí tên Hão”
(  Thầy ơi, em yêu thầy nhất em là Hão. Em là cô nhi, vô đây em thấy thầy lo cho em nhiều, nhu yếu phẩm thầy cứ cho em luôn, còn sâu sát em để em học giỏi. Em yêu thầy nhất”). Vừa giận vừa thương , thương là những con chữ ấy là tấm lòng , là niềm tin yêu , chân thật ; còn giận , quả thật Thi không hiểu giận họ hay giận …mình!nghĩa là mình dạy không tới nơi tới chốn hoặc là họ lười. Tối đó dự định sáng mai . A!không ,buổi chiều sẽ quạt một trận ra trò những bài làm sai chính tả , bắt chép phạt, bắt trừ điểm …Ai ngờ sáng sớm đã có lệnh qua đơn vị khác, công tác bàn giao nhanh chóng, duy cái lớp học ấy chỉ giao sổ đầu bài, giáo án , rồi vác ba lô lên đường.
  Vậy mà gần bốn chục năm, lâu lâu Thi đem bài viết ấy ra xem rồi bật cười , màu giấy úa vàng theo thời gian, Thi quên mất cô học trò ấy ,không biết có khi nào gặp lại không nhỉ?
 Lớp học  mở được ba tháng, với sĩ số ban đầu gần mười đứa , đa số là con cháu các đồng đội, dần dần tăng lên Thi phải chia ba lớp , vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh( xưa anh cũng khá ngoại ngữ nên khi xuất ngũ Thi tự học và kiến thức về nó cũng ‘’ vừa đủ xài”) học phí thì nói sao nhỉ. Một chầu nhậu hay chầu karaoke là xong , nghĩ cũng vui tuổi… gió heo mai ( mượn cái tựa  sách của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc ). Cái sự dạy bây giờ nó khác với cách dạy của mấy chục năm trước ,nhưng cốt lỏi là Chậm ,Chắc. Thi không muốn có những bài viết  xem xong muốn xỉu  hay đọc rồi buồn không thể tả.
 Bửa nọ, anh Chí ( xưa chung đại đội ) rù rì : ‘ ‘ Có chị trong xóm quen một người chủ cơ sở sản xuất giấy hay làm từ thiện , sau khi nghe chuyện của Thi chỉ nói trong xóm có cháu nào muốn học cứ tổ chức lớp chỉ sẽ tài trợ 100% , còn cho một cái phòng  làm lớp học, Thi đứng thêm lớp nghe !” .
 Hôm gặp mặt nhà hảo tâm ấy để bàn bạc , Thi suýt té ngữa , bởi tác giả bài viết năm nào đang đứng trước Thi, người học trò viết sai chính tả Thi mong mỏi gặp lại để giũa te tua ,và cũng hỏi cho ra lẽ cái chuyện tại Thầy dạy chưa tới hay tại trò quá kém, hiện là một nhà kinh doanh cở “bự”; đồng thời là người tạo tiền đề tươi sáng cho những mảnh đời còn khốn khó trong việc tìm con chữ. Đời thật ngộ nghĩnh ! thật bất ngờ!
 Tại quán café sân vườn thoáng mát, có hai mái đầu điểm bạc À! Không, có đông lắm, họ là những đồng đội một thời từng khoác áo Tnxp, nay  qua bên kia dốc cuộc đời tìm lại nhau để “nhớ một thơì ta đã yêu”( xin phép mượn tạm  câu trong một bài hát mình quên tên tác giả, vô cùng xin lỗi ) trong  đó có hai thầy trò đang ôn lại Chuyện ngày xưa , người đàn ông nhẹ nhàng lấy trong cặp một cái bìa cứng đựng hồ sơ , giở ra là tờ giấy đôi màu vàng trên đó là : ‘ ‘ thằi oi em ieu thằi ngat…” mọi người đều cười òa mà  đôi mắt họ long lanh, long lanh . Có ai đó nói  phải chi tìm được hai người của  bài “ quoại” em “ ba” em thì vui hết biết.
  Biết đâu mà tìm đây hở các đồng đội thân yêu ?
  Biết đâu họ tình cờ đọc được bài này nhỉ?
  Biết đâu được! thôi thì hên xui vậy.
*Nếu chọn lại mình sẽ vẫn là thầy giáo Tnxp.
 “ Ngày 19/11/2012 tại phòng giám thị trường Chu Văn An
    9g5 phút Anh đang trở về thửa xa xưa , ngoài kia học trò đang giờ ra chơi, những  trái tim thơ ngây đang vui đùa , chúng như những bông hoa, anh ghi trong quyển Nhật ký Thanh Niên Xung Phong –quyển 5- Các bạn Tnxp, những đồng đội đã cùng tôi sống trong những ngày tươi đẹp nhất, tôi nhớ các bạn lắm! ước gì mình vẫn như ngày đó, vô tư vui đùa và lao động. Nhớ mãi bên ánh lữa bập bùng cùng hát những bài hát Tnxp…” hỏi anh nếu quay ngược thời gian anh có muốn mình về lại tuổi xung phong, và anh trả lời ngay : “Có! Có và cho mình làm thầy giáo Tnxp”tâm sự cùa anh Bùi Thế Hưng ( hiện là Giám thị trường Chu Văn An – quận 11-) tham gia Tnxp một thời gian, năm 1981 anh chuyển về Sở Giáo dục , được phân công về trường từ ấy đến nay, hôm nọ vô họp phụ huynh cho đứa cháu , đang tìm phòng thì nghe có tiếng hỏi chị đi đâu , hóa ra những lần cùng đi họp mặt truyền thống của đơn vị liên đội Trung Thành với ông xã , anh ấy cũng có dự nên biết mình. Vì là CTV của Bản tin nên nhân ngày Nhà Giáo mình đến gặp anh để có bài viết cho mọi người nè !
 Sao ai cũng có câu trả lời y chang là : ‘ ‘ Nếu quay ngược thời gian tôi vẫn sẽ là Thanh Niên Xung Phong” .
 Sao vậy cà! Còn mình thì sao? Thì cũng vậy chứ sao ! nhưng mà mình sẽ ước rõ ràng , tự tin : mình sẽ là Phóng viên của Báo Tuyến đầu ( tiền thân của Bản tin hiện nay),là Phóng viên của Bản tin TNXP , mà là có đi học đàng hoàng , có bằng cấp thứ thiệt ( ước mơ thôi chứ giờ …).
  Còn mọi người thì sao nhỉ ? Cho mình câu trả lời nhanh nhất nhé!
·                  Mẹ là Cha, là Bạn là Cô là Biển trời của con.
Cháu phụng phịu : ‘ ‘ Mẹ cháu một mình vất vả lo cho hai chị em cháu, cả nhà ở nhà mướn , ba thì bệnh rồi mất sớm đã vậy Mẹ còn rán học lấy bằng Sư phạm để làm cô nuôi dạy trẻ ( Mẹ nói nghề ấy hiền , thích hơp với tánh Mẹ và để dễ dạy tụi cháu ) sau này cháu mới hiểu khi xưa chắc trong môi trường TNXP đã luyện cho Mẹ có một nghị lực phi thường để vượt qua những trắc trở của cuộc đời , tụi cháu nhìn Mẹ mà ngưỡng mộ ,mà khâm phục , cả đời mẹ hy sinh cho tụi cháu , không dám có được niềm vui riêng , nay tụi cháu đã là Mẹ cho nên tụi cháu thương Mẹ vô bờ. Xưa, khi tuổi mới lớn sáng mưa chiều nắng ,chính Mẹ đã bên tụi cháu như những người đồng trang lứa, tư vấn cho những “yêu thương tuổi tím” khỏi những rối rắm của con tim….Mẹ là số dzách hì hì. Cháu Lê Thị Thúy Nga ( đứa con gái lớn của Nguyệt ,hiện là giáo viên trường Nguyễn Gia Thiều, giống Mẹ ,cháu từng là một cán bộ Đoàn suất sắc của Quận đoàn 11, chậc! mẹ nào con nấy mà lỵ) vừa nói về Mẹ mà đôi mắt ươn ướt.
 .Mình hẹn  gặp hai mẹ con để viết bài gởi cho Bản tin ( gần hết hạn nộp ) mà cứ ..ngang chàng như vậy , làm sao đây!
 Tại  Văn phòng Hội cựu Quận 11: Mình đang nghe Nguyệt tâm sự
 “ Ba Má bị chết trong chiến tranh , Nguyệt là chị cả ,lúc ấy mới 17 tuổi, sau đó gia nhập Tnxp , xuất ngũ về rồi lấy chồng, có con, ở nhà thuê, vừa đi làm bảo mẫu vừa đi học  sư phạm để làm cô nuôi dạy trẻ . Không được cùng ông xã đi hết cuộc đời, ổng bỏ ba mẹ con đi xa lắc, một mình bươn chải bao khó khăn vất vả, giờ nhớ lại không hiểu sao hồi đó mình giỏi quá trời!” Nguyệt nói thêm: ‘ ‘ Có lẽ hai đứa con ngoan là động lực giúp mình vượt qua hết,  hơn nữa thời gian sống trong môi trường Tnxp đã luyện cho mình một  sức chịu đựng để vượt lên chính mình, thế thôi!”. Ừ ! hai đứa con và Tnxp.
 Nguyệt hẹn mình cùng “bé” Nga( cháu ngoài ba chục tuổi rồi mà cứ gọi “bé” “bé”!) đến thăm gia đình một đồng đội có hoàn cảnh vô cùng khó khăn ( anh bị đau khớp nặng, đầu gối sưng to, vợ bị tai biến nằm tại chổ gần 20 năm, đứa con gái lớn chồng chết để lại hai đứa con ,hôm nọ đi bán té trợt chân  và xương bánh chè bị gãy, nằm uống thuốc qua quýt chớ có tiền đâu mà mổ…) Cháu gần tới ngày sanh ,nhưng nghe chuyện  của Chú Hoành cháu vội đến và tặng cho gia đình quà và ít tiền , cháu nói chỉ là chuyện nhỏ khi anh Lê Văn Hoành nắm chặt tay cháu  cám ơn – Chuyện nhỏ mà làm được , thì đâu có gọi là nhỏ ,phải không mọi người?-
 “ Vừa là Mẹ vừa là Cha , Mẹ cháu cố gắng gấp trăm lần những người phụ nữ khác để tụi cháu có ngày hôm nay , cô nghĩ xem giữa một xã hội đầy rẫy cái xấu, Mẹ cháu trơ trọi lắm, nhưng vẫn lo cho tụi cháu cái ăn cái mặc cái học để tụi cháu Thành Nhân . Mẹ hay kể lúc còn ở Tnxp, cực khổ thiếu thốn nhưng tình thương tình người chan hòa lắm, có hôm nhà có một người chung đơn vị của Mẹ tới chơi , khi về mẹ sớt cho cô ấy hơn phân nữa gạo nhà còn Mẹ nói: ‘ ‘ Giúp người lúc hoạn nạn các con ạ!” Mẹ là trời biển bao la của tụi cháu , đúng không cô?
 Tại bệnh viện chợ Rẫy, ngày chủ nhật lúc 16 giờ .
  Có một xe đẩy trên đó là 4 nồi cháo dinh dưỡng được phát cho bệnh nhân ở bệnh viện Chợ Rẫy do thương binh Tnxp Nguyễn Thị Lý nấu, Nguyệt vừa múc cho bà con  vừa gạt những giọt mồ hôi trên trán. Sao Nguyệt chả chịu ở không ! Ở nhà thì chăm 3 cháu ngoại, công việc Hội cựu thì không lương mà ‘ ‘ làm cho anh chị em mình không mất quyền lợi’’, rồi bây giờ lo chuyện nồi cháo từ thiện  cùng chị Lý .( chị nấu độ 400 suất cháo )
  Bản tin ơi! còn nhiều nhiều lắm những tấm gương của những người Không Tượng Đồng Bia Đá ( là mình nghe  mọi người ca ngợi  về nghề giáo đó mà) , họ  gieo con chữ bằng tất cả con tim khối óc cho Đời .
  Mọi lời ca ngợi đều đã được ca tụng hết rồi .
  Xin, xin gom hết những lời chúc về ngày Nhà Giáo Việt Nam đến tất cả những ai đã ,đang đứng trên bục giảng , kính chào!
                                        Cẩm Hồng.
 

 




 

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét