Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Vũ Thi Thu Đào

Xuyên Mộc và Thu Đào

Vũ thị Thu Đào bên tấm hình " để đời"
Vũ Thị Thu Đào ( người đầu tiên)


                                    Vũ thị Thu Đào !
 “Em là cô nhi chị ạ ! em gia nhập Tnxp là do Sở TB-XH chuyển qua , đơn vị đầu tiên là Đại đội 4 Cơ động 2 Tổng đội 4  năm  1976 và  hôm ấy ( ngày em có bức hình ‘ ‘ để đời’’) là vào chiến dịch của công trình kinh tưới Tam Tân ;  được thông báo là có phóng viên báo nào ấy xuống  quây phim ,chụp hình , tụi em đứa nào cũng hồ hởi hết , anh phóng viên đó  đi tới đi lui dọc tuyến kinh và kêu  em  cùng 2 người nữa đứng xúc đất, được mấy ảnh dặn là cứ tự nhiên làm việc . Trời ơi !  không thể quên những ngày ấy khí thế hừng hực, vui,  vui lắm chị ! còn điều này nữa là  bức ảnh  đó  ai cũng tưởng là nữ hết, phải không ? không phải đâu chị ,người chính giữa là nam  ! ’’ mình muốn té ngữa khi biết chuyện ấy !
  Trong buổi liên hoan cuối năm ở nhà chị Nguyễn thị Lý (, chị Lý  là người nữ còn sống sót trong trận tập kích của  polpot vào  trung đội 3 liên đội 303 ở Kokixom- Campuchia năm 1978)
-        gần năm nay gia đình chị phát tâm nấu cháo cho bệnh nhân bệnh viện Chợ Rẫy  ngày chủ nhật, bà con  lối xóm, đồng đội đến chung tay , con phố nhỏ cứ rộn ràng tiếng cười nói , tiếng  nồi niêu xoong , chảo ; cũng nơi đây cũng đã có những  cuộc gặp gỡ bất ngờ thú vị ,tỷ như chuyện mình gặp lại  cô gái trong bức ảnh nổi tiếng năm nào- mình đang xắt  gọt rau củ cùng với mọi người thì Ngô thị Hoa nói : ‘ ‘ Em quên giới thiệu người này cho chị  viết bài , chị còn nhớ bức hình có ba người đang lao động hôn, tiêu biểu cho tnxp lúc đó ? là nhỏ này nè !’’ đoạn, Hoa chỉ tay về một người phụ nữ …lạ hoắc ! thế là mình vội xin cuộc hẹn , thế là hôm nay mình có bài viết cho mọi người nè !, thế là mình mới hay thêm  chuyện người chính giữa là con trai ! Ô hô ! chuyện này  giờ mới biết.
     Tại nhà Vũ Thị Thu Đào .
      Đào đưa cho mình xem  khung hình đã cũ  , quả thật bức hình này ai là tnxp đều biết, nhưng sao lạ quá !  chỉ có  hai chứ không phải  ba người ; Đào nói tỉnh bơ : ‘ ‘ Chụp ba xui xẻo nên kêu thợ cắt bớt’’ ( trời thần ơi ! ). Chút tẹo nữa là mình buột miệng : ‘ ‘ Hồi đó em đẹp như người mẫu , sao bi giờ ..’’
Đào lắc lắc ly cafe kể :
  Ba em là sĩ quan , đi công tác liên miên nên gởi  em và đứa em trai vào Cô Nhi Viện An Lạc do Sơ Vũ Thị Ngãi là Giám đốc , lúc trước  ba hay đến thăm hai chị em lắm, mua quà  ,bánh cho tụi em . Lúc giải phóng thì mất tin luôn ,  nhà nước sát nhập CNV An Lạc vào Cô Nhi Viện Quốc Gia Thủ Đức. Khi đủ tuổi thì chuyển qua TNXP cỡ 200 người bổ sung cho các đơn vị , em nhớ năm đó 1976; buồn là  đứa em trai đã bỏ em đi xa lắc vì bệnh chị ạ! … Chuyện em đi tnxp là thế đấy !
  Từ bé đã thiếu thốn tình cảm gia đình , lớn lên sống trong môi trường tập thể nên em dễ thích nghi lắm! một số bạn cùng trong cô nhi lại chung đơn vị nữa ; vui lắm! Cho đến năm 1980 có một sự kiện làm thay đổi cuộc đời rất nhiều người ,trong đó có em , là LL cho  số anh chị em có nguyện vọng hay không có điều kiện học hành chuyển qua đi học Bổ túc công nông . Năm 1980 trường Bổ túc Công Nông 1 và 2 ( Thủ Đức) nhận đội quân đặc biệt có tên : Thanh niên xung phong; từ cái nôi TNXP , họ đã trưởng thành , có người đùa rằng TNXP là Trường Đại học, học hoài hổng  ra trường được ( ai hiểu sao cũng được,hi hi). Cũng nơi đó em đã gặp một nữa của em  đó chị.
  Ảnh tên Phan Văn Đức ( cùng ở cô nhi) , có lẽ chung hoàn cảnh, nên cái Tình nó đậm đà lắm. Năm 1983 LL đã tổ chức đám cưới cho hai người ,tuy đơn giản nhưng có  sao đâu , quan trọng là  tụi em sống hạnh phúc cho tới giờ , dù trong cuộc sống có những khó khăn , trắc trở , không hề gì , đã là Tnxp thì vượt qua hết, rồi hai đứa con ngoan hiền là món quà  ông Trời tặng cho vợ chồng em .Mình cứ nhìn xuống bởi còn nhiều người khổ hơn mình là vui hà!  em cười ngất . Chắc cái tánh vô tư nên nụ cười không khác , chỉ khác là em phát tướng hơn xưa ( vô cùng xin lỗi em nha)
 Mình hỏi nếu cho em một điều ước , em sẽ ước điều gì ? Đào không ngần ngại : ‘ ‘Cho em hai điều đi nha ! một là  em muốn gặp lại Ba em , hai là cho em trở về Thửo Xung phong’’.
  Chao ơi! Thương quá! Mình lặng im ngó  lên trời !
  Bây giờ ngồi viết bài này mà đầu óc mình nó mông lung lắm! không biết sắp xếp chuyện nào  trước ,sau ; thôi thì cứ để cảm xúc nó khiến mình  nghĩ sao gõ vậy.
 Tóm lại là nhờ  làm từ thiện bên chị Lý mà mình gặp lại  một trong ba người của bức hình  năm xưa: người đầu tiên tươi cười là Vũ thị Thu Đào, kế là anh Quách Anh Tài, cuối cùng là chị Lê Thanh Tâm. Mình rất muốn gặp lại hai người kia và nhất là tác giả của  bức hình đó quá chừng luôn! Và ,tận thâm tâm mình muốn ,mình muốn sẽ gởi bài nầy cho chương trình “ Như chưa hề có cuộc chia ly” để ,biết đâu em sẽ gặp lại Ba !
 Cuối cùng  mình muốn ( tham quá , muốn quá chừng) bài viết này sẽ được đăng , xem như món quà  tặng cho một cô gái tnxp ,có một tuổi thơ không trọn vẹn , và  chỉ  trong  ngôi trường Tnxp , em mới được chắp cánh , em mới được sống như những người phụ nữ bình thường khác. Nhất là  với nụ cười dễ thương ấy em đại diện cho Nụ cười của các Nữ TNXP! hồn nhiên , lạc quan, máu lửa…Em tên Vũ Thị Thu Đào ( cả cái họ cũng chả phải  thật, bởi Sơ ấy họ Vũ nên toàn bộ các em trong cô nhi đều là họ Vũ).
  Cho mình thêm chi tiết nữa là hiện nay số chị em ngày xưa sống trong cô nhi viện vẫn đùm bọc lấy nhau như Vũ thị Huệ, Vũ Thị Hoa, Vũ thị Hải, Vũ thị Thanh Mai; cho dù cuộc sống có như thế nào họ vẫn yêu thương gắn kết nhau . Tình Nghĩa quá phải không mọi người ?
 Cuối cùng mình xin chúc , À! Không , mình xin gom hết những gì tốt đẹp nhất gởi đến những ai từng khoác áo Tnxp. Xin chúc những Cặp Đôi Xung Phong nhân  Ngày 14/2 hàng năm luôn song đôi cho đến khi…hết thở ! ( trong đó có vợ chồng mình nữa !- sao viết cho người khác thì được ,còn viết về mình khó thấy ớn! ai giúp mình với; chuyện hai vợ chồng mình cũng  lãng mạn, cũng dễ thương lắm lắm, thôi hẹn khi khác vậy , mọi người chờ đi nhe!-)
 Thân chào đoàn kết , xây dựng! ( câu này quen quá)
                                 Cẩm Hồng
 ( Cám ơn chị Nguyễn thị Lý , Ngô thị Hoa, và cám ơn tác giả  bức hình của mấy chục năm trước để tôi có thêm tư liệu hoàn thành bài viết này – trân trọng-)


                                                                                                              



                                                                                
 

1 nhận xét: